Đề án đã được UBND Tỉnh Bắc Ninh Phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-UBND ngày 04/8/2014. Với những nội dung chủ yếu như sau:
I. Mục tiêu phát triển đô thị
- Xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020, hướng tới “Hiện đại, văn minh, hài hòa và bền vững”;
- Phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng tỉnh, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững;
- Phát triển đô thị gắn với phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ cảnh quan, môi trường; kết hợp giữa cải tạo, nâng cấp các đô thị cũ và xây dựng các đô thị mới phù hợp với đặc thù phát triển của từng vùng.
II. Định hướng phát triển hệ thống đô thị
1. Mô hình phát triển: Mạng lưới đô thị phát triển theo mô hình chùm đô thị hướng tâm, nhất thể hóa đô thị nông thôn nhằm đảm bảo cho nhân dân sống ở khu vực ngoại thị được hưởng và sử dụng các tiện ích công cộng có chất lượng tiệm cận với đô thị.
2. Hệ thống đô thị phát triển theo giai đoạn
a) Giai đoạn 2014 ÷ 2020: Ưu tiên phát triển đô thị tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò tăng trưởng chủ đạo; các đô thị gắn với khu công nghiệp đã được Thủ Tướng chính phủ phê duyệt và các khu vực có mức độ đô thị hóa cao; tiếp tục cải tạo nâng cấp các đô thị hiện có đạt các tiêu chí theo phân loại đô thị.
b) Giai đoạn 2021 ÷ 2030: Ưu tiên phát triển đô thị theo mạng lưới đô thị. Xây dựng Bắc Ninh thành vùng đô thị lớn - thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng: “Hiện đại, Văn minh, Văn hiến, Hài hòa, Sinh thái, Bền vững”. Phát triển không gian theo mô hình “đô thị sinh thái”, giảm diện tích đất công nghiệp; rà soát điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất một số khu, cụm công nghiệp.
3. Số lượng đô thị, dân số, đất đai
Theo quy hoạch vùng, đến năm 2030 toàn tỉnh có 09 đô thị, trong đó:
- 01 đô thị loại I: Đô thị lõi Bắc Ninh, gồm thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du, có diện tích khoảng 25.940 ha, dân số 890.000 người (nội thị 735.000 người, ngoại thị 155.000 người).
- 03 đô thị loại IV gồm:
+ Đô thị Phố Mới (huyện
Quế Võ Bắc Ninh): Diện tích 13.464,8 ha; đến năm 2030 dân số: 153.000 người (nội thị 40.000 người và ngoại thị 113.000 người);
+ Đô thị Chờ (huyện Yên Phong Bắc Ninh): Diện tích 9.680,2 ha; đến năm 2030 dân số 174.000 người (nội thị 40.000 người và ngoại thị 134.000 người);
+ Đô thị Hồ (huyện Thuận Thành Bắc Ninh): Diện tích 11.790 ha; đến năm 2030 dân số 154.000 người (nội thị 40.000 người và ngoại thị 114.000 người).
- 05 đô thị loại V gồm:
+ Đô thị Gia Bình (thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình): Diện tích 465 ha; đến năm 2020 dân số 10.000 người; đến năm 2030 dân số 20.000 người;
+ Đô thị Thứa (thị trấn Thứa, huyện Lương Tài): Diện tích 715 ha; đến năm 2020 dân số 10.000 người; đến năm 2030 dân số 20.000 người (năm 2030);
+ Đô thị mới Nhân Thắng, huyện Gia Bình: Diện tích 819 ha; đến năm 2020 dân số 6.000 người; đến năm 2030 dân số 10.000 người;
+ Đô thị mới Trung Kênh, huyện Lương Tài: Diện tích 619 ha; đến năm 2020 dân số 6.000 người; đến năm 2030 dân số 10.660 người;
+ Đô thị mới Cao Đức, huyện Gia Bình: Diện tích 1.140 ha; đến năm 2030 dân số 5.000 người.
4. Lộ trình nâng loại và nâng cấp quản lý hành chính hệ thống đô thị đến năm 2030
4.1. Các đô thị hiện có:
a) Thành phố Bắc Ninh: Đô thị loại II năm 2014;
b) Thị xã Từ Sơn: Đề nghị công nhận thị xã Từ Sơn là đô thị loại III vào năm 2018;
c) Thị trấn Chờ - huyện Yên Phong:
- Đề nghị công nhận thị trấn Chờ mở rộng đạt đô thị loại IV vào năm 2017;
- Lập đề án thành lập thị xã Yên Phong vào năm 2021;
d) Thị trấn Phố Mới - huyện Quế Võ:
- Đề nghị công nhận thị trấn Phố Mới mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2019;
- Lập đề án thành lập thị xã Quế Võ vào năm 2023;
e) Thị trấn Lim: Đề nghị công nhận Lim là đô thị loại IV vào năm 2020;
g) Thị trấn Hồ - huyện Thuận Thành:
- Đề nghị công nhận thị trấn Hồ mở rộng đạt đô thị loại IV vào năm 2022;
- Lập đề án thành lập thị xã Thuận Thành vào năm 2024;
h) Thị trấn Gia Bình - huyện Gia Bình: Giữ nguyên loại V đến năm 2030;
i) Thị trấn Thứa - huyện Lương Tài: Giữ nguyên loại V đến năm 2030.
4.2. Các đô thị mới:
a) Đô thị mới Nhân Thắng - huyện Gia Bình:
- Đề nghị công nhận đô thị Nhân Thắng đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vào năm 2016;
- Lập đề án thành lập thị trấn Nhân Thắng vào năm 2017;
b) Đô thị mới Trung Kênh - huyện Lương Tài:
- Đề nghị công nhận đô thị mới Trung Kênh đạt đô thị loại V vào năm 2027;
- Lập đề án thành lập thị trấn Trung Kênh vào năm 2028;
c) Đô thị mới Cao Đức - huyện Gia Bình:
- Đề nghị công nhận đô thị mới Cao Đức đạt đô thị loại V vào năm 2030.
4.3. Đô thị lõi Bắc Ninh:
- Đề nghị công nhận đô thị lõi Bắc Ninh đạt đô thị loại I vào năm 2025;
- Lập Đề án đề nghị thành phố Bắc Ninh (toàn tỉnh) là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2026.
III. Nội dung chủ yếu đầu tư xây dựng phát triển đô thị
Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội các đô thị đạt tiêu chuẩn theo quy định.
1. Hệ thống giao thông
a) Hệ thống giao thông đường bộ đô thị
- Đường Quốc lộ: Gồm các tuyến QL1A, QL18, QL38, QL18B (cũ là ĐT 282), Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội.
- Hệ thống đường tỉnh: Nâng cấp các tuyến đường tỉnh hiện có; xây dựng mới các đường tỉnh ĐT 295C, ĐT 282B, ĐT 285B.
- Hệ thống cầu và nút giao thông lập thể: Xây dựng 7 cầu mới vượt sông (03 cầu qua sông Đuống, 02 cầu qua sông Cầu, 01 cầu qua sông Thái Bình); Hoàn chỉnh và xây dựng mới 15 nút giao lập thể (02 nút trên QL1A, 07 nút trên QL38, 03 nút trên VĐ4 - HN, 03 nút trên VĐ3 - HN).
b) Hệ thống đường sắt
- Đề nghị sớm xây dựng mới tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn về phía Bắc thay thế tuyến đường sắt hiện tại. Tuyến đường sắt hiện tại sẽ được quy hoạch cải tạo thành trục cây xanh, cảnh quan.
- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân theo quy hoạch, dự án đã được duyệt, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng và nhu cầu liên vận Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc).
c) Giao thông đường thủy
Nạo vét, cải tạo bờ sông, dòng chảy để khai thác các tuyến giao thông đường thủy: Sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình và xây dựng hệ thống cảng hàng hóa.
d) Hệ thống giao thông công cộng
- Hệ thống xe Bus: Xây dựng mới các tuyến xe Bus gồm: Tuyến thành phố Bắc Ninh - Khu vực Nam Sơn (Núi Dạm) và tuyến Yên Phong - Từ Sơn - Khu vực Nam Sơn (Núi Dạm). Cải tạo các tuyến xe Bus hiện trạng gồm: Tuyến thành phố Bắc Ninh - Thị trấn Chờ; tuyến thành phố Bắc Ninh - Thị trấn Hồ - Gia Bình - Lương Tài; tuyến thành phố Bắc Ninh - Thị trấn Phố Mới; tuyến thành phố Bắc Ninh - Thị trấn Lim - Thị xã Từ Sơn. Xây dựng mới bến xe Bus tại khu vực Nam Sơn (Núi Dạm).
- Hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt đô thị trên cao: Nghiên cứu quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm hoặc đường sắt trên cao theo tuyến ĐT 295C, QL 38 và hệ thống đường sắt trên cao theo các tuyến đường trục liên kết Đông - Tây, Bắc - Nam.
2. Hệ thống cấp nước
- Giữ nguyên công suất các nhà máy cấp nước tại thành phố Bắc Ninh, thị trấn Phố Mới và thị trấn Lim. Nâng công suất các nhà máy nước tại: Thị trấn Hồ, Gia Bình, An Thịnh. Xây dựng hoàn thành nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh tại Chi Lăng, nhà máy nước tại Minh Đạo, nhà máy nước Thuận Thành.
- Nhà máy nước các Khu công nghiệp tập trung: Tiếp tục duy trì, phát triển các nhà máy nước phục vụ riêng cho các khu công nghiệp tập trung.
- Mạng lưới truyền tải và mạng lưới phân phối chính: Phát triển mạng lưới cấp nước gắn kết với quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh và kết nối với các Khu đô thị - Công nghiệp tập trung theo quy hoạch cấp nước được duyệt.
3. Hệ thống thoát nước
a) Hệ thống thoát nước mưa
- Phân chia lưu vực thoát nước theo Quy hoạch vùng: Gồm 12 lưu vực, các trục tiêu chính là: Kênh Tào Khê, kênh Ngũ Huyện Khê, kênh Trịnh Xá, sông Ngụ, sông Đông Côi và sông Bùi.
- Nạo vét, cải tạo, nâng cấp các ao hồ, kênh mương trong đô thị tạo cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống hồ điều hòa cho từng lưu vực, khu vực.
b) Thoát nước thải
- Xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thoát nước thải.
- Nâng công suất nhà máy xử lý nước thải thành phố Bắc Ninh và nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn theo giai đoạn đến 2020 và giai đoạn 2020 - 2030. Xây dựng mới nhà máy nước thải số 2 Bắc Ninh và các nhà máy tại các đô thị: Lim, Nam Sơn, Phố Mới, Chờ (Trung Nghĩa), Gia Bình, Thứa, Hồ, Trung Kênh, Nhân Thắng, Cao Đức.
- Xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các đô thị.
4. Hệ thống cấp điện và chiếu sáng đô thị
- Lưới điện cao thế 110 Kv, 220 Kv đi nổi trên cột với khu vực ngoại thị và đi ngầm trong hệ thống tuynel, hào kỹ thuật với khu vực nội thị.
- Hoàn thiện ngầm hóa hệ thống lưới điện trung áp (22Kv) theo các trục đường phố chính trong đô thị trong tuynel, hào kỹ thuật.
- Hoàn thiện hệ thống chiếu sáng đô thị đảm bảo chất lượng, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng mới, tiết kiệm điện năng.
5. Hệ thống thông tin, bưu chính viễn thông
- Đầu tư nâng cấp các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin khai thác và cung cấp dịch vụ của mạng lưới.
- Phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới viễn thông đến năm 2020 đạt 18 thuê bao điện thoại /100 dân, 08 thuê bao Internet/100 dân.
- Từng bước ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông các trục đường phố chính, các dự án xây dựng mới khu nhà ở trong đô thị.
- Nâng cấp mạng thông tin di động lên công nghệ 3G, 4G...; ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo mỹ quan đô thị.
- Xây dựng mạng dịch vụ băng thông rộng Wifi phủ sóng toàn tỉnh; xây dựng mạng cáp quang truyền dẫn đảm bảo 100% được sử dụng.
- Giai đoạn 2014 - 2015: Cung cấp dịch vụ bưu chính đến cấp xã. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng....; thí điểm dịch vụ bưu chính điện tử.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển mạnh dịch vụ bưu chính điện tử. Triển khai tự động hóa trong cung cấp dịch vụ, làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.
6. Hệ thống cây xanh, mặt nước, công viên
- Thực hiện đầu tư xây dựng các khu công viên, cây xanh, mặt nước, hệ thống hồ điều hòa cấp khu vực và đô thị theo lộ trình; các đô thị hiện có, các đô thị mới, khu vực trọng điểm như Khu đô thị mới Nam Sơn, Phật Tích gắn với vành đai xanh sông Đuống, các khu du lịch sinh thái, hành lang xanh và các vùng sản xuất nông nghiêp tạo thành bộ khung hệ thống cây xanh, cân bằng sinh thái, đạt tối đa chỉ tiêu đất cây xanh, phù hợp với cấu trúc của vùng đô thị lớn.
- Chỉnh trang và trồng mới cây xanh các trục đường phố chính trong các khu đô thị hiện trạng.
7. Hệ thống chất thải rắn, nghĩa trang, bảo vệ môi trường
a) Chất thải rắn:
- Chất thải rắn sinh hoạt: Thực hiện phân loại tại nguồn. Toàn bộ chất thải rắn trên địa bàn được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý tập trung của từng đô thị, từng huyện.
- Chất thải rắn công nghiệp: Thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
- Chất thải rắn y tế: Quản lý chất thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.
- Vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn gồm:
+ Khu xử lý cấp vùng tỉnh tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, quy mô 50 ha.
+ Các khu xử lý của các huyện, thị: Thị xã Từ Sơn, tại xã Tam Sơn và Tương Giang, quy mô 15 ha; huyện Gia Bình, tại xã Cao Đức, quy mô 7 ha; huyện Yên Phong, tại xã Tam Giang có quy mô 5 ha và tại xã Dũng Liệt, xã Tam Đa có quy mô 10 ha; huyện Tiên Du, tại xã Phú Lâm, quy mô 5 ha; huyện Thuận Thành, tại xã Ngũ Thái, quy mô 6 ha; huyện Lương Tài, tại xã Bình Định, quy mô 15 ha.
- Dự báo đến năm 2020 tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 1.070 tấn/ngày; đến năm 2030 khoảng 1.610 tấn/ngày.
b) Nghĩa trang, nhà tang lễ:
- Xây dựng nghĩa trang tập trung phục vụ cho từng huyện, thị xã, thành phố theo mô hình công viên nghĩa trang, gồm 11 nghĩa trang (theo quy hoạch vùng) với tổng nhu cầu đất xây dựng khoảng 207 ha.
- Xây dựng một số nghĩa trang theo hướng “công viên vĩnh hằng”, sử dụng phương pháp điện táng.
- Xác định lộ trình đóng cửa các nghĩa trang hiện có, cải tạo, xây mộ theo thiết kế mẫu, trồng cây xanh theo hướng “vườn nghĩa trang”.
8. Hạ tầng xã hội đô thị
a) Nhà ở đô thị:
- Chỉ tiêu đến năm 2030 đạt 30 m2/người.
- Tổng nhu cầu nhà ở khu vực đô thị:
+ Hiện trạng khoảng 6.077.000 m2, bình quân: 25,14 m2/người.
+ Đến năm 2020: Xây mới và cải tạo khoảng 12.960.000 m2, trong đó xây mới khoảng 6.883.000 m2, đạt chỉ tiêu 27 m2 /người.
+ Đến năm 2030: Xây mới và cải tạo khoảng 37.500.000 m2, trong đó xây mới khoảng 14.640.000 m2, đạt chỉ tiêu 30 m2/người.
- Giai đoạn 2014 - 2020: Tiến hành đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở: Khu đô thị Tây Bắc thành phố dự án Kinh Bắc Plaza Bắc Ninh (600 ha); các khu đô thị đại học (1.000 ha); khu dân cư dịch vụ xã Nam Sơn (Khu công nghiệp và đô thị), thành phố Bắc Ninh (58,63 ha); xây dựng các khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp tập trung.
- Sau năm 2020 tiếp tục đầu tư xây dựng khu đô thị đại học;
khu đô thị mới Quế Võ; quy hoạch xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu.
b) Hệ thống các trung tâm công cộng
- Hệ thống các trung tâm y tế cấp tỉnh:
+ Thực hiện theo Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 25/03/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển ngành Y tế tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020.
+ Đầu tư xây dựng các trung tâm y tế lớn của tỉnh: Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tại thành phố Bắc Ninh; các trung tâm y tế, nghỉ dưỡng tại Từ Sơn và thị trấn Chờ (Yên Phong).
- Hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo: Đầu tư xây dựng 02 khu đô thị đại học tập trung với quy mô khoảng 1.000 ha, thu hút đầu tư xây dựng hơn 20 trường đại học và hơn 40 trường cao đẳng, trung cấp.
- Trung tâm thể dục thể thao
+ Xây dựng trung tâm thể dục thể thao cấp đô thị tại thành phố Bắc Ninh.
+ Xây dựng trung tâm thể dục thể thao cấp vùng Thủ đô tại đô thị mới Nam Sơn.
c) Hệ thống các trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa và du lịch
- Đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại trọng điểm:
+ Trung tâm thương mại quốc tế ở phía Tây Bắc thành phố Bắc Ninh - cấp vùng tỉnh.
+ Trung tâm thương mại tại khu đô thị mới Nam Sơn - cấp vùng tỉnh.
+ Trung tâm lưu chuyển hàng hóa Logistic (tại thành phố Bắc Ninh và Yên Phong) - cấp vùng tỉnh.
+ Trung tâm thương mại Từ Sơn - cấp vùng tỉnh.
+ Trung tâm thương mại Hồ (phía Nam sông Đuống) - cấp đô thị.
- Đầu tư xây dựng các khu du lịch cấp vùng tỉnh:
+ Khu đô thị văn hóa, du lịch Phật Tích tại huyện Tiên Du (500 ha).
+ Khu du lịch Lăng, đền thờ Kinh Dương Vương và cụm di tích huyện Thuận Thành (150 ha).
+ Khu du lịch Thuỷ Tổ quan họ, thành phố Bắc Ninh (47 ha).
+ Khu du lịch Cao Lỗ Vương (27 ha).
+ Xây dựng sân Golf: Tại huyện Tiên Du (250 ha), tại huyện Thuận Thành khoảng 250 ha.
- Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa lịch sử.
+ Bảo tồn, tu bổ các công trình di sản văn hóa vật thể, trong đó có 1.259 di tích lịch sử - văn hóa, 192 di tích quốc gia, 265 di tích cấp tỉnh.
+ Bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc tế: Dân ca quan họ Bắc Ninh, tranh dân gian Đông Hồ (đề nghị UNESSCO công nhận).
+ Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Phát huy di sản văn hóa thời Lý, các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề truyền thống; Bảo tồn các di sản văn hóa Việt cổ, các công trình văn hóa lịch sử, di sản văn hóa khu vực Bắc và Nam sông Đuống.
9. Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn từ nay đến 2020
- Danh mục các dự án tổng hợp theo các bảng biểu, phụ lục kèm theo Quyết định này (bao gồm: Các dự án đầu tư xây mới cấp vùng tỉnh đến năm 2020; các dự án đầu tư xây dựng mới cấp huyện, thị, thành phổ và các dự án đang triển khai).
- Căn cứ nguồn lực và thực tiễn phát triển đô thị để điều chỉnh niên độ, danh mục các dự án thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2020. Danh mục các dự án giai đoạn 2021 - 2030 sẽ được lập kế hoạch vào năm 2020.